Trước tình hình kinh tế - chính trị thế giới đang diễn ra hết sức phức tạp, bài toán tìm giải pháp để đẩy mạnh thương hiệu Việt Nam trong và ngoài nước đang cấp thiết và trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Tất cả các lĩnh vực từ sản phẩm tới dịch vụ của Việt Nam đều đang loay hoay trước sự cạnh tranh rất cao…
…từ bài toán xây dựng thương hiệu
Với cơ sở vật chất, trang thiết bị thô sơ và nhân lực còn hạn chế, bên cạnh đó, tâm lý sính ngoại của người dân khiến các sản phẩm của Việt Nam thậm chí còn thất bại ngay trong thị trường nội địa chứ chưa nói đến xuất khẩu.
Việc rất nhiều các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam nhưng sản xuất tại nước thứ 3 như Trung Quốc đang trở nên bất cập khi không thúc đẩy được sản xuất trong nước mà lại càng không thể làm được thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế, nhiều doanh nghiệp còn cay đắng thừa nhận, đến cả ốc vít cũng phải nhập trong khi các doanh nghiệp đầu tư máy móc thì lại đau đầu với bài toán về vốn, về thương hiệu mà không được sự hướng dẫn hay hỗ trợ nào.
Ông Nguyễn Văn Bình – Giám đốc công ty TNHH Huy Thành: Công ty nhập về hệ thống máy móc của Nhật và Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có máy CNC 5 trục – máy gia công cơ khí hiện đại nhất trên thế giới, thuê cả kỹ thuật viên từ Nhật sang đào tạo nhân sự, bỏ ra số vốn gần trăm tỉ đồng mà không được một sự hỗ trợ nào, các hợp đồng gia công từ các doanh nghiệp trong nước rất ít vì đa số các doanh nghiệp vẫn có thói quen đặt hàng và nhập luôn từ Trung Quốc, chủ yếu các hợp đồng của công ty lại từ các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam – những hợp đồng có đòi hỏi kỹ thuật và tính chính xác cao. Họ chấp nhận chi trả khoản phí cao hơn khoảng 5% để có được những sản phẩm chất lượng hơn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thành – giám đốc công ty cổ phần Vani – công ty đã có các sản phẩm được xuất khẩu và được chấp nhận tại thị trường khó tính bậc nhất như Nhật Bản, được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Thái Lan biết tới như: Tay co Vani, Bản lề sàn kiêm kẹp kính Vani, Chặn cửa Vani lại hoàn toàn không xây dựng được thị trường tại chính thị trường nội địa. Ông cho biết: Các sản phẩm của công ty đạt tiêu chuẩn về cả hình thức và chất lượng nhưng để chiếm được thị trường nội địa thì cần phải cạnh tranh được về giá cả. Người Việt Nam mình vẫn có xu hướng dùng các sản phẩm có hình thức đẹp, giá cả cạnh tranh của Trung Quốc chứ chưa quan tâm nhiều tới chất lượng thực sự của sản phẩm.
…tới bài toán xuất khẩu thương hiệu Việt
Là nước đứng thứ 2 thế giới sau Brasil về sản lượng cà phê xuất khẩu, nhưng theo Sở Công Thương Đắk Lắk, có đến 80% lượng cà phê xuất khẩu của Tỉnh không có thương hiệu, chủ yếu chỉ đóng bao bì và xuất cà phê nhân qua trung gian rồi được chế biến và dán nhãn mác của nước khác. Số doanh nghiệp nội địa xuất khẩu cà phê có thương hiệu chỉ đếm trên đầu ngón tay trong đó có Công ty Cà phê Phước An, Công ty Cà phê Thắng Lợi…
Mặc dù là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, chiếm khoảng 20% xuất khẩu gạo toàn cầu, nhưng đến nay Việt Nam vẫn chịu thua gạo Thái Lan trong việc xây dựng thương hiệu, cũng như đưa thương hiệu đến tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế.“Không hẳn vì gạo Việt Nam không đủ chất lượng, vì thực tế đã có việc nhiều doanh nhân Thái Lan qua mua gạo Việt Nam để đóng bao xuất khẩu đi các nước, thậm chí qua Hongkong, một thị trường tiêu thụ gạo thơm nổi tiếng. Điều này cho thấy hệ quả của việc thiếu vắng thương hiệu cho gạo Việt Nam”, Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp lương thực cho biết.
Trong cuộc họp mới đây do Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA nhận xét, việc xây dựng thương hiệu lúa gạo của Việt Nam không phải là việc dễ dàng bất chấp kim ngạch xuất khẩu đều tăng trong 5 năm trở lại đây, và có thể đạt kỷ lục 7 triệu tấn gạo trong năm nay. (Theo thời báo kinh tế Sài Gòn)
…và lời giải
Trước tình hình đó, doanh nghiệp Việt Nam bên cạnh nỗ lực phát triển nền tảng cơ sở vật chất bền vững, cần có những định hướng đúng đắn để xây dựng thương hiệu, định hình thương hiệu và hỗ trợ nhiều mặt của nhà nước.
Song song với nó, cần lắm sự ủng hộ của người dân Việt Nam với những sản phẩm Việt Nam chất lượng cao để cùng góp phần xây dựng các doanh nghiệp Việt Nam cũng như chỗ đứng cho thương hiệu Việt Nam trong và ngoài nước.